Huỳnh Công Đức

Cố gắng làm những điều bình thường trở thành phi thường

Category Archives: Khoa học phổ thông

Tìm hiểu chuẩn H.264

H.264 giảm yêu cầu băng thông trong khi chất lượng ảnh tương đương MPEG-2 và MPEG-4. Công nghệ này giúp cho tăng cường khả năng nén không gian và nén thời gian, cho hình ảnh truyền rất nhanh trên mạng LAN, internet. Với những ưu việt của mình, H.264 đang đựơc ứng dụng rất nhiều vào ngành an ninh.

1. Giới thiệu chung

Kể từ khi mới xuất hiện vào đầu những năm 90, chuẩn nén video MPEG-2 đã hoàn toàn thống lĩnh thế giới truyền thông. Cũng trong thập kỷ này, chuẩn nén MPEG-2 đã được cải tiến về nhiều mặt. Giờ đây nó có tốc độ bit thấp hơn và việc ứng dụng nó được mở rộng hơn nhờ có các kỹ thuật như đoán chuyển động, tiền xử lý, xử lý đối ngẫu và phân bổ tốc độ bit tùy theo tình huống thông qua ghép kênh thống kê.

Tuy nhiên, chuẩn nén MPEG-2 cũng không thể được phát triển một cách vô hạn định. Thực tế hiện nay cho thấy chuẩn nén này đã đạt đến hết giới hạn ứng dụng của mình trong lĩnh vực truyền truyền hình từ sản xuất tiền kỳ đến hậu kỳ và lưu trữ Video số. Bên cạnh đó, nhu cầu nén Video lại đang ngày một tăng cao kèm theo sự phát triển mạnh mẽ của mạng IP mà tiêu biểu là mạng Internet. Khối lượng nội dung mà các công ty truyền thông cũng như các nhà cung cấp dịch vụ thông tin có thể mang lại ngày càng lớn, ngoài ra họ còn có thể cung cấp nhiều dịch vụ theo yêu cầu thông qua hệ thống cáp, vệ tinh và các hạ tầng viễn thông đặt biệt là mạng Internet.

Các tiêu chuẩn mã hoá Video ra đời và phát triển với mục tiêu cung cấp các phương tiện cần thiết để tạo ra sự thống nhất giữa các hệ thống được thiết kế bởi những nhà sản xuất khác nhau đối với mọi loại ứng dụng Video; Nhờ vậy thị trường Video có điều kiện tăng trưởng mạnh. Chính vì lý do này nên những người sử dụng bộ giải mã cần có một chuẩn nén mới để đi tiếp chặng đường mà MPEG-2 đã bỏ dở.

Hiệp hội viễn thông quốc tế (ITU) và tổ chức tiêu chuẩn quốc tế/ Uỷ ban kỹ thuật điện tử quốc tế (ISO/IEC) là hai tổ chức phát triển các tiêu chuẩn mã hoá Video. Theo ITU-T, các tiêu chuẩn mã hoá Video được coi là các khuyến nghị gọi tắt là chuẩn H.26x (H.261, H.262, H.263 và H.264). Với tiêu chuẩn ISO/IEC, chúng được gọi là MPEG-x (như MPEG-1, MPEG-2 và MPEG-4).

Những khuyến nghị của ITU được thiết kế dành cho các ứng dụng truyền thông Video thời gian thực như Video Conferencing hay điện thoại truyền hình. Mặt khác, những tiêu chuẩn MPEG được thiết kế hướng tới mục tiêu lưu trữ Video chẳng hạn như trên đĩa quang DVD, quảng bá Video số trên mạng cáp, đường truyền số DSL, truyền hình vệ tinh hay những ứng dụng truyền dòng Video trên mạng Internet hoặc thông qua mạng không dây (wireless).

Với đối tượng để truyền dẫn Video là mạng Internet thì ứng cử viên hàng đầu là chuẩn nén MPEG-4 AVC, còn được gọi là H.264, MPEG-4 part 10, H.26L hoặc JVT.

2. Tính kế thừa của chuẩn nén H.264

Mục tiêu chính của chuẩn nén H.264 đang phát triển nhằm cung cấp Video có chất lượng tốt hơn nhiều so với những chuẩn nén Video trước đây. Điều này có thể đạt được nhờ sự kế thừa các lợi điểm của các chuẩn nén Video trước đây. Không chỉ thế, chuẩn nén H.264 còn kế thừa phần lớn lợi điểm của các tiêu chuẩn trước đó là H.263 và MPEG-4 bao gồm 4 đặc điểm chính như sau:

Phân chia mỗi hình ảnh thành các Block (bao gồm nhiều điểm ảnh), do vậy quá trình xử lý từng ảnh có thể được tiếp cận tới mức Block.

Khai thác triệt để sự dư thừa về mặt không gian tồn tại giữa các hình ảnh liên tiếp bởi một vài mã của những Block gốc thông qua dự đoán về không gian, phép biến đổi, quá trình lượng tử và mã hoá Entropy (hay mã có độ dài thay đổi VLC).

Khai thác sự phụ thuộc tạm thời của các Block của các hình ảnh liên tiếp bởi vậy chỉ cần mã hoá những chi tiết thay đổi giữa các ảnh liên tiếp. Việc này được thực hiện thông qua dự đoán và bù chuyển động. Với bất kỳ Block nào cũng có thể được thực hiện từ một hoặc vài ảnh mã hoá trước đó hay ảnh được mã hoá sau đó để quyết định véc tơ chuyển động, các véc tơ này được sử dụng trong bộ mã hoá và giải mã để dự đoán các loại Block.

Khai thác tất cả sự dư thừa về không gian còn lại trong ảnh bằng việc mã các block dư thừa. Ví dụ như sự khác biệt giữa block gốc và Block dự đoán sẽ được mã hoá thông qua quá trình biến đổi, lượng tử hoá và mã hoá Entropy.

3. Cơ chế nén ảnh của H.264 (MPEG-4 AVC)

Với chuẩn nén H264, mỗi hình ảnh được phân chia thành nhiều Block, mỗi block tương ứng với một số lượng nhất định các MacroBlock. Ví dụ một hình ảnh có độ phân giải QCIF (tương đương với số lượng điểm ảnh 176×144) sẽ được chia thành 99 MacroBlock với kích cỡ 16×16. Một sự phân đoạn các MacroBlock tương tự được sử dụng các kích cỡ ảnh khác. Thành phần chói của ảnh được lấy mẫu tương ứng với độ phân giải của ảnh đó, trong khi đó thành phần màu CR và CB được lấy mẫu với tần số thấp hơn theo 2 chiều ngang và dọc. Thêm vào đó mỗi hình ảnh có thể được phân thành số nguyên lần các lát mỏng (slice), việc này rất có giá trị cho việc tái đồng bộ trong trường hợp lỗi dữ liệu.

Mỗi hình ảnh thu được được xem như một ảnh I. Ảnh I là ảnh được mã hoá bởi việc áp dụng trực tiếp các phép biến đổi lên các MacroBlock khác nhau trong ảnh. Các ảnh I được mã hoá sẽ có kích cỡ lớn bởi nó được xây dựng từ một khối lượng lớn thông tin của bản thân ảnh hiện tại mà không sử dụng bất cứ thông tin nào từ miền thời gian trong quá trình xử lý mã hoá để tăng hiệu quả xử lý mã hoá bên trong trong H.264.

3.1. Giảm bớt độ dư thừa

Cũng giống như các bộ lập giải mã khác, H.264 nén video bằng cách giảm bớt độ dư thừa cả về không gian và thời gian trong hình ảnh. Những dư thừa về mặt thời gian là những hình ảnh giống nhau lặp đi lặp lại từ khung (frame) này sang khung khác, ví dụ như phần phông nền không chuyển động của một chương trình đối thoại trên truyền hình. Dư thừa về không gian là những chi tiết giống nhau xuất hiện trong cùng một khung, ví dụ như nhiều điểm ảnh giống nhau tạo thành một bầu trời xanh. Hình 1 biểu diễn một cách sơ lược các bước mà bộ lập giải mã MPEG-4 phải tiến hành để nén không gian và thời gian.

3.2. Chọn chế độ, phân chia và chế ngự

Bộ lập giải mã bắt đầu bằng việc quyết định loại khung cần nén tại một thời điểm nhất định và chọn chế độ mã hoá phù hợp. Chế độ “trong khối” tạo ra ảnh “I”, trong khi chế độ “giữa khối” tạo ra khung “P” hoặc “B”. Sau đó, bộ mã hoá sẽ chia ảnh thành hàng trăm hàng và cột các điểm ảnh của ảnh video số chưa nén thành các khối nhỏ hơn, mỗi khối có chứa một vài hàng và cột điểm ảnh.

3.3. Nén theo miền thời gian

Khi bộ mã hoá đang hoạt động ở chế độ “giữa khối” (inter), khối này sẽ phải qua công đoạn hiệu chỉnh chuyển động. Quá trình này sẽ phát hiện ra bất kỳ chuyển động nào diễn ra giữa khối đó và một khối tương ứng ở một hoặc hơn một ảnh tham chiếu đã được lưu trữ từ trước, sau đó tạo ra một khối “chênh lệch” hoặc “lỗi”. Thao tác này sẽ giảm bớt dữ liệu trong mỗi block một cách hiệu quả do chỉ phải trình bày chuyển động của nó mà thôi. Tiếp đến là công đoạn biến đổi côsin rời rạc (DCT) để bắt đầu nén theo miền không gian. Khi bộ mã hoá hoạt động ở chế độ “trong khối” (intra), khối này sẽ bỏ qua công đoạn hiệu chỉnh chuyển động và tới thẳng công đoạn DCT.

Hình 1. Sơ đồ khối mã hoá MPEG, đường đứt nét đặc trưng cho phần bổ sung của MPEG-4 AVC trong việc nén theo miền không gian.

Hình 1. Sơ đồ khối mã hoá MPEG, đường đứt nét đặc trưng cho phần bổ sung của MPEG-4 AVC trong việc nén theo miền không gian.

 

3.4. Nén theo miền không gian

Các khối thường có chứa các điểm ảnh tương tự hoặc thậm chí giống hệt nhau. Trong nhiều trường hợp, các điểm ảnh thường không thay đổi mấy (nếu có). Như vậy có nghĩa là tần số thay đổi giá trị điểm ảnh trong khối này là rất thấp. Những khối như thế được gọi là khối có tần số không gian thấp. Bộ lập mã lợi dụng đặc điểm này bằng cách chuyển đổi các giá trị điểm ảnh của khối thành các thông tin tần số trong công đoạn biến đổi côsin rời rạc.

  • Biến đổi cosin rời rạc:

Công đoạn DCT biến đổi các giá trị điểm ảnh của khối thành một ma trận gồm các hệ số tần số ngang, dọc đặt trong không gian tần số. Khi khối ban đầu có tần số không gian thấp, DCT sẽ tập hợp phần lớn năng lượng tần số vào góc tần số thấp của mạng. Nhờ vậy, những hệ số tần số thấp ở góc đó sẽ có giá trị cao hơn.

Một số lượng lớn các hệ số khác còn lại trên ma trận đều là các hệ số có tần số cao, năng lượng thấp và có giá trị thấp. Hệ số DC và một vài hệ số tần số thấp sẽ hàm chứa phần lớn thông tin được mô tả trong khối ban đầu. Điều này có nghĩa là bộ lập mã có thể loại bỏ phần lớn hệ số tần số cao còn lại mà không làm giảm đáng kể chất lượng hình ảnh của khối.

Bộ lập mã chuẩn bị các hệ số cho công đoạn này bằng cách quét chéo mạng lưới theo đường zig-zag, bắt đầu từ hệ số DC và qua vị trí của các hệ số ngang dọc tăng dần. Do vậy nó tạo ra được một chuỗi hệ số được sắp xếp theo tần số.

  • Lượng tử hoá và mã hoá entropy:

Tại đây thao tác nén không gian mới thực sự diễn ra. Dựa trên một hệ số tỷ lệ (có thể điều chỉnh bởi bộ mã hoá), bộ lượng tử hoá sẽ cân đối tất cả các giá trị hệ số. Do phần lớn hệ số đi ra từ DCT đều mang năng lượng cao nhưng giá trị thấp nên bộ lượng tử hoá sẽ làm tròn chúng thành 0. Kết quả là một chuỗi các giá trị hệ số đã được lượng tử hoá bắt đầu bằng một số giá trị cao ở đầu chuỗi, theo sau là một hàng dài các hệ số đã được lượng tử hoá về 0. Bộ lập mã entropy có thể theo dõi số lượng các giá trị 0 liên tiếp trong một chuỗi mà không cần mã hoá chúng, nhờ vậy giảm bớt được khối lượng dữ liệu trong mỗi chuỗi.

Theo bienbacsecurity.

Vật liệu mang tính đột phá mới nhẹ hơn cả không khí

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm HRL thuộc Viện Công nghệ California và Đại học California tại Irvine đã tạo ra những gì họ nói là vật liệu có mật độ thấp nhất, một mạng ống rỗng của kim loại niken.

Khối lượng có nó chỉ nặng hơn 99,99% so với không khí và mật độ chỉ là 0,9 miligram cho mỗi cm3, không bao gồm không khí trong hoặc giữa các ống của nó. Đó là mật độ ít hơn 1/1000 so với nước.

Theo các nhà nghiên cứu, vật liệu này được đặt tên là “microlattice”, có thể được xem là hữu ích cho việc hấp thụ âm thanh, chống rung và chống sốc. HRL cho rằng các điện cực trong vật liệu mới có thể giúp tăng năng lượng cho pin lithium-ion để lưu trữ năng lượng và giảm chi phí sản xuất pin. Chúng cũng có thể được sử dụng để làm mát cho thiết bị bằng không khí cũng như cho các thiết bị máy tính điện tử và cung cấp các vật liệu cần thiết nhằm giảm trọng lượng trong ô tô, máy bay và tàu vũ trụ.

Để tạo ra vật liệu mới này, các nhà nghiên cứu đã chế tạo các cấu trúc với kích thước chỉ khoảng 0,01 mm. Phương pháp của họ vừa được đăng trên tạp chí Khoa học Mỹ vào hôm thứ Năm (17/11) vừa qua.

Theo nhà nghiên cứu chính của đề tài là Tobias Schaedler cho biết: “Bí quyết để tạo ra vật liệu mới chính là quá trình chế tạo một mạng ống rỗng kết nối có bề dày 100 nanomet (nm), mỏng hơn 1.000 lần so với một sợi tóc của con người”.

Chuỗi hình ảnh cho thấy mạng tinh thể niken được nén đầu tiên, sau đó hồi phục trở lại. Sau khi nén được 50%, quá trình phục hồi sẽ thu hẹp 98% chiều cao ban đầu của vật liệu.

Một điểm đáng chú ý của công nghệ này chính là khi khi các ống bị đè bẹp, chúng sẽ được phục hồi nhờ độ đàn hồi với hiệu suất lên đến 98%. Điều đó có nghĩa vật liệu mới trang bị tính năng đàn hồi, được sử dụng như là một tấm đệm lót nhằm chống sốc cho các sản phẩm kĩ thuật số trong tương lai.

Mạng lưới cấu trúc của vật liệu mới được thiết kế thông qua vài bước. Đầu tiên là chùm tia cực tím chiếu sáng thông qua một lỗ nhỏ trong một mặt nạ vào hồ chứa có chứa một loại nhựa có khả năng hình thành các sợi polymer khi tiếp xúc với ánh sáng. Các sợi di chuyển theo con đường ánh sáng và sử dụng chùm tia sáng để tạo ra nhiều sợi kết nối với nhau. Tiếp theo, phần còn lại của nhựa được loại bỏ, các sợi polymer được phủ bởi một lớp niken rất mỏng, các sợi polymer sau đó sẽ biến mất chỉ để lại mạng tinh thể kim loại mà thôi.

Kích thước của mạng tinh thể có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi các thuộc tính của mặt nạ, được đục lỗ thông qua các tia cực tím chiếu vào.

Nghiên cứu được tiến hành cho dự án của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA)./

Theo CNET

10 máy bay quân sự nhanh nhất thế giới

Dưới đây là top 10 loại máy bay quân sự có tốc độ bay cao nhất thế giới hiện nay.

1. Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-25: 3,2М

Máy bay đánh chặn tầm cao, siêu âm của Liên Xô, do Viện thiết kế Mikoyan-Gurevichh thiết kế.

Là máy bay huyền thoại, đã lập một số kỷ lục thế giới, trong đó có cả kỷ lục tốc độ, song bị giấu kín giống như nhiều chuyện khác ở Liên Xô. Theo lời tổng công trình sư R.А. Belyakov, việc máy bay vượt quá tốc độ 3M làm giảm tuổi thọ của khung thân máy bay, nhưng không làm hư hỏng máy bay hoặc động cơ. Một số phi công cho biết, MiG-25 đã nhiều lần vượt ngưỡng tốc độ 3,5М, nhưng kỷ lục đó không được ghi nhận chính thức.

Ngày 6/9/1976, Viktor Belenko, phi công Không quân Liên Xô đã lái một chiếc MiG-25 đào tẩu sang Nhật Bản. Chiếc máy bay đã được trả lại sau khi đã được dỡ tung đến từng chiếc đinh vít. Các máy bay mới đã được cải tiến và có ký hiệu MiG-25PD, tất cả các máy bay có trong trang bị được hiện đại hóa và đặt ký hiệu là MiG-25PDS.

Belenko tại sân bay Hakodate đã dùng súng ngắn bắn để ngăn chặn người Nhật tiếp cận chiếc MiG-25, yêu cầu che kín máy bay, nhưng ủy ban điều tra vụ việc đã kết luận rằng, việc bay sang Nhật là có chủ mưu, mặc dù không có mục tiêu phản bội rõ ràng.

2. Máy bay trinh sát SR-71 của hãng Lockheed: 3,2М

Máy bay trinh sát chiến lược siêu âm của Không quân Mỹ, còn có tên không chính thức là Blackbird. Máy bay này nổi danh ở độ tin cậy kém, trong 34 năm, Mỹ đã mất 12 chiếc trong số 32 chiếc hiện có.

Thủ đoạn chính để tránh đạn tên lửa của SR-71 là bốc cao và tăng tốc. Năm 1976, SR-71 Blackbird đã lập kỷ lục tuyệt đối về tốc độ trong số các máy bay có người lái trang bị động cơ dòng thẳng là 3.529,56 km/h.

3. Máy bay đánh chặn tầm xa MiG-31: 2,82М

Máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm, mọi thời tiết, tầm xa, 2 chỗ ngồi. Là máy bay chiến đấu thế hệ 4 đầu tiên của Liên Xô. MiG-31 dùng để đánh chặn và tiêu diệt mục tiêu bay ở độ cao nhỏ, cực nhỏ, trung bình và lớn, cả ngày lẫn đêm, khi đối phương sử dụng nhiễu radar tích cực và tiêu cực, cũng như mồi bẫy nhiệt. Một tốp 4 chiếc MiG-31 có khả năng kiểm soát khoảng không có chiều rộng 800-900 km.

Tốc độ tối đa cho phép: 3.000 km/h (2,82 М)

4. Máy bay tiêm kích F-15 Eagle của McDonell Douglas: 2,5М

Máy bay tiêm kích chiến thuật mọi thời tiết, thế hệ 4 của Mỹ, dùng để giành ưu thế trên không. Được nhân vào trang bị năm 1976.

Tốc độ tối đa ở độ cao lớn: 2.650 km/h (>2,5M)

5. Máy bay ném bom chiến thuật F-111 của General Dynamics: 2,5М

Máy bay ném bom chiến thuật tầm xa, 2 chỗ ngồi, máy bay yểm trợ chiến thuật với cánh có dạng hình học thay đổi (cánh cụp-xòe).

Tốc độ tối đa ở độ cao lớn: 2.655 km/h (2,5M)

6. Máy bay ném bom chiến thuật Su-24: 2,4М

Máy bay ném bom chiến thuật, cánh cụp-xòe của Liên Xô, dùng để tấn công bằng tên lửa, bom, trong điều kiện thời tiết tốt và phức tạp, cả ngày lẫn đêm, kể cả ở độ cao nhỏ tiêu diệt có ngắm chống các mục tiêu mặt đất và mặt nước.

Một số phi công cho biết, máy bay được trang bị cơ cấu lái tự động autopilot có khả năng lái máy bay ở độ cao nhỏ, chẳng hạn duy trì máy bay bay ở độ cao 120 m so với mặt đất.

7. Máy bay tiêm kích đánh chặn F-14 Tomcat của Grumman: 2,37М

Máy bay đánh chặn, tiêm kích-bom phản lực thế hệ 4, cánh có dạng hình học thay đổi. Được phát triển trong thập niên 1970 để thay thế các máy bay Con ma (F-4 Phantom).

8. Máy bay tiêm kích Su-27: 2,35М

Máy bay tiêm kích đa năng cơ động cao của Liên Xô, do Viện OKB Sukhoi phát triển và dùng để giành ưu thế trên không.

Nhờ có khả năng điều khiển vector lực kéo, máy bay có thể thực hiện các thao tác cơ động kỳ diệu như “Rắn hổ mang” và “Vòng tròn Frolov” (bay vòng tròn lộn ngược). Các thuật bay cao cấp cho thấy khả năng giữ máy bay rơi khi ở các góc tấn vượt quá góc tới hạn.

9. Máy bay tiêm kích đa năng MiG-23: 2,35М

Máy bay tiêm kích đa năng của Liên Xô có cánh dạng hình học thay đổi. MiG-23 đã tham gia nhiều cuộc xung đột vũ trang những năm 1980.

Tốc độ tối đa ở độ cao lớn: 2,35М

10. Máy bay tiêm kích F-14D Tomcat của Grumman: 2,34М

Khác với các biến thể trước đó, biến thể F-14D có radar mạnh hơn AN/APG-71 của Hughes, cho phép bám 24 mục tiêu, bắt và phóng tên lửa đồng thời chống 6 mục tiêu trong số đó, ở các độ cao và cự ly khác nhau, có thiết bị avionics và cabin cải tiến. Tổng cộng, đã chế tạo 37 máy bay loại này, ngoài ra có 104 F-14A được nâng cấp thành F-14D./

PM (theo dekatop.com, TW)

Chernobyl thiên đường hay địa ngục?

Thảm họa hạt nhân Chernobyl được xem là tai nạn khủng khiếp nhất trong lịch sử năng lượng thế giới, khiến một vùng rộng lớn của Ukraine thành vùng đất chết. Tuy nhiên, 25 năm sau, nơi đây lại trở thành phòng thí nghiệm thiên đường đối với các nhà khoa học.

“Tôi gặp một cơn ác mộng khi lần đầu tiên tôi đến đây. Nhưng giờ đây tôi thực sự thích thú với những chuyến thực địa tại mảnh đất này”, ông Andrea Bonisoli-Alquati, một nhà sinh vật học người Italy chia sẻ.

Ông là một thành viên trong nhóm nghiên cứu quốc tế gồm khoảng chục người tham gia vào chuyến đi thực địa 6 ngày xung quanh khu vực nhà máy hạt nhân Chernobyl “khét tiếng” một thời.

Chernobyl “cựa mình” hồi sinh

Nhóm nghiên cứu của ông Andrea đi sâu vào khu vực rừng và đồng cỏ bị ô nhiễm phóng xạ nặng nề nhất và nguy hiểm nhất ở Chernobyl.

Ngày thực địa đầu tiên của nhóm bắt đầu lúc 4h30. Trong buổi sáng sớm, khu vực Chernobyl toát lên vẻ yên tĩnh và xinh đẹp một cách kỳ lạ. Điều này cho thấy thiên nhiên cuối cùng cũng bắt đầu hồi sinh sau thảm họa kinh hoàng năm 1986.

“Nhiều người đến đây với hy vọng được nhìn thấy quang cảnh hoang tàn như trên mặt trăng nhưng hiển hiện trước mắt họ là bạt ngàn cây cối, chim muông và một vài loài động vật có vú khiến họ vô cùng ngạc nhiên”, giáo sư Mousseau nói.

Khung cảnh ở khu vực Chernobyl khá thơ mộng và dần mất đi dấu vết đau thương một thời.

Tiến sĩ Jim Smith, người nghiên cứu Chernobyl trong suốt 20 năm qua cho biết, theo các bằng chứng từ phòng thí nghiệm thì thảm họa Chernobyl không gây ảnh hưởng đáng kể đến các loài động vật hoang dã.Tiến sĩ Smith cũng tiến hành những nghiên cứu riêng của mình tập trung vào các hệ sinh thái thuỷ sinh trong khu vực nhiễm xạ. Và thật kỳ diệu, ông tìm thấy sự đa dạng sinh học lớn nhất, rất nhiều các loài thủy sinh vẫn tồn tại trong vùng hồ ô nhiễm nhất khu vực: hồ Glubokoye.

Tuy nhiên, giáo sư Mousseau lại cho biết ông tìm thấy điều trái ngược với tiến sĩ Smith: “Những ảnh hưởng từ thảm họa Chernobyl là đáng kể. Ở những khu vực bị ô nhiễm cao, chúng ta thấy các loài động vật ít hơn một nửa so với những khu vực ít bị ảnh hưởng”.

Thực tế, khu vực mà các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu là phần giao thoa giữa vùng ô nhiễm nhất và khu vực tương đối an toàn của Chernobyl khiến cho những gì họ khám phá được dường như trở nên thật khó hiểu. Ở đây có thể nhìn thấy những cây thông kì dị với hình dạng bị biến đổi kinh khủng bởi phóng xạ, ngược lại cũng thấy bạt ngàn những cánh rừng trải dài tươi tốt. Thậm chí trên những đồng cỏ sinh trưởng xanh tốt, nhóm nghiên cứu còn bắt gặp những chú nai sừng tấm đang nhởn nhơ gặm cỏ.

Tiến sĩ Sergii Gashchak, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chernobyl ở Ukraine cho rằng, việc con người ít tác động đến tự nhiên ở đây khiến động thực vật sinh trưởng mạnh mẽ.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của tiến sĩ Smith. “Khi người dân di dời khỏi vùng ô nhiễm, thiên nhiên vẫn phát triển một cách đáng kinh ngạc. Điều này chứng tỏ hoạt động hàng ngày của con người phá hủy tự nhiên nhiều hơn là ô nhiễm phóng xạ sau tai nạn hạt nhân. Liệu các chất phóng xạ có gây tổn hại đến động vật hoang dã ở Chernobyl hay không, đây vẫn còn là điều bỏ ngỏ”, tiến sĩ Smith nói.

Chernobyl – thiên đường của các nhà khoa học

Buổi sáng thứ hai, nhóm nghiên cứu tới khu vực chỉ cách nhà máy điện hạt nhân vài km. Đây là địa điểm lui tới hàng năm của các nhà khoa học để nghiên cứu tác động của phóg xạ đến hệ sinh thái tự nhiên.

Các nghiên cứu mới nhất của nhóm trên loài chim cho thấy phóng xạ có liên quan đến một số hiệu ứng di truyền bất thường, chẳng hạn như nghiên cứu công bố trên tờ PloS One mới đây chỉ ra rằng, loài chim trong khu vực bị ô nhiễm có não bé hơn. Còn nhà sinh vật học Gier Rudolfsen, một thành viên trong đội nghiên cứu cho biết cơ quan sinh sản của những con chim đực cũng bị ảnh hưởng bởi nó thường nhạy cảm hơn với phóng xạ.

“Ảnh hưởng mạnh nhất có lẽ là cơ quan sản xuất “tinh trùng”. Tại khu vực bị nhiễm phóng xạ những con chim đực sản sinh ít “tinh dịch” hơn và chất lượng “tinh dịch” cũng kém hơn. Điều đó cho thấy khả năng sinh sản của chim bị ảnh hưởng nặng nề”, tiến sĩ Gier nói.

Tuy nhiên, sự ô nhiễm ở khu vực Chernobyl trở nên vô hình khi mà thiên nhiên ở đây vẫn rất thơ mộng; ngoại trừ việc các nhà khoa học cho biết nếu tinh ý chúng ta sẽ phát hiện ra rằng buổi sáng ở đây không có nhiều loài chim ca hót và trong khu rừng đỏ sẽ không có được khung cảnh tuyệt đẹp như những khu vực khác.

25 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, vùng đất này hiện trở thành thiên đường đối với các nhà khoa học.
25 năm sau thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử, khu vực trung tâm Chernobyl, nơi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng bây giờ là một đống đổ nát với những giàn giáo hoen rỉ, những khối bê tông và sắt thép nằm ngổn ngang để lộ ra một khu vực chết chóc ảm đạm. Nhưng như một nghịch lý, nó lại thực sự là một thiên đường đối với các nhà khoa học bởi những điều huyền bí đang chứa đựng và họ sẽ còn trở lại đây bất chấp những nguy cơ từ chất độc phóng xạ.

Tim Mousseau, nhà khoa học người Canada dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết, nơi này hiện là một phòng thí nghiệm tự nhiên có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà khoa học. Ông cùng với nhà sinh thái học Đan Mạch Anders Moller đang trong năm thứ 12 làm việc cùng nhau ở khu vực này.

“Nó giống như một cuộc phiêu lưu vậy. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi ở đây. Sau chuyến thực địa này, chúng tôi sẽ trở lại vào mùa xuân tới để tiếp tục các nghiên cứu”, tiến sĩ Mousseau nói.

Lê Dung (theo BBC)

Xem phim 3D gây ra hiện tượng căng và mỏi mắt

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Cuối cùng, sau nhiều tranh cãi, một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học University of California-Berkeley, được công bố trên tờ Journal of Vision đã đưa ra kết luận chính thức về việc các bộ phim 3D gây ra hiện tượng căng và mỏi mắt.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã cho thử nghiệm trình chiếu các bộ phim 3D và 2D ở những khoảng cách xem khác nhau. Kết quả cho thấy những bộ phim 3D đã khiến người xem phải tập trung và chuyển động mắt nhiều hơn để thu nhận được hết các hiệu ứng mà công nghệ 3D mang lại.

Những hình ảnh hiển thị với công nghệ 3D cũng khiến mắt mỏi và căng hơn, hình ảnh không rõ bằng so với màn ảnh 2D.

Người xem cũng gặp nhiều vấn đề về mắt hơn khi xem phim 3D ở khoảng cách gần, nghiên cứu cho biết.

Công trình nghiên cứu này được hãng điện tử Samsung tài trợ về tài chính.

Rất nhiều hãng phim đang muốn thúc đẩy việc phổ biến công nghệ 3D, nhưng những trọng tâm phát triển của họ lại tập trung và việc nâng cao nội dung, chất lượng về mặt giải trí mà lãng quên đi “nhiệm vụ” làm giảm căng và mỏi mắt cho người xem.

Ngay cả James Cameron, đạo diễn của bộ phim 3D đình đám Avatar cũng đã có lần phải lên tiếng phàn nàn về công nghệ 3D đang được sử dụng hiện tại, ông cho rằng ngành công nghiệp phim ảnh cần nâng cao chất lượng hình ảnh cho các bộ phim 3D.

Năm 2010, hãng điện tử Nintendo cũng đã ra cảnh báo về những nguy hại tiềm tàng đối với trẻ em khi sử dụng máy chơi game cầm tay 3DS. Trẻ em dưới 6 tuổi cũng được khuyến cáo không xem các hình ảnh 3D./

(VietnamPlus)

Bà bầu không nên uống trà chanh

Trà chanh đang là loại nước giải khát được nhiều người ưa thích, nhưng nếu bạn đang mang thai thì nên chọn thứ đồ uống khác.

Dược sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hiền, bộ môn Dược liệu, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết, chúng ta ít khi để ý đến vấn đề ảnh hưởng của nước trà đến thai phụ, nhưng trên thực tế, các chất trong trà có ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi.

Cụ thể, trong lá chè có chứa 2% – 5% lượng cafein có tác dụng gây hưng phấn. Nếu thai phụ uống quá nhiều chè đặc thì sẽ kích thích thai cử động nhiều, thậm chí nguy hại đến sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi. Sự kích thích này ngang với sử dụng cà phê.

Trong trà xanh còn có chất EGCG có tác dụng chống ôxy hóa. Trà chanh có thêm vài lát chanh, axit hữu cơ trong chanh (axit citric) không có tác dụng làm tăng hàm lượng chất EGCG trong trà mà chỉ kéo dài tác dụng của chất EGCG (vì axit hữu cơ có tác dụng như một chất bảo quản, làm chất EGCG không bị phân hủy quá nhanh). Với người bình thường, nó rất tốt, giúp lợi tiểu, chống lão hóa, nhưng đối với thai phụ khi vào cơ thể, chất EGCG  sẽ làm giảm hàm lượng axit folic, ảnh hưởng tới hệ thần kinh của thai.

 

Mặt khác, khi ta uống trà thấy chát, đó là có chất tanin, nếu kết hợp với chất sắt trong thức ăn sẽ thành hợp chất khó được cơ thể hấp thụ. Do vậy, thai phụ uống quá nhiều nước trà đặc có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, tất yếu thai nhi sinh ra sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt bẩm sinh.

Lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay, thai phụ uống trà xanh quá nhiều sẽ dẫn đến sự kích thích thần kinh trung ương làm tim đập nhanh, dễ hưng phấn dẫn đến khó ngủ, làm ảnh hưởng đến thai nhi.

Hằng ngày, thai phụ chỉ nên uống 2 – 3 tách trà, khoảng 200 ml. Mùa hè, tùy vào cơ thể, trọng lượng của mẹ và con mà thai phụ nên có những lựa chọn nước uống khác nhau. Một số nước uống tốt cho sức khoẻ như nước dừa, đậu nành, nước hoa quả, nước lọc… đều có thể thay thế được trà chanh.

Theo Khoa Học & Đời Sống./

Lựa chọn Bộ lưu điện – UPS

Để ngăn chặn các sự cố về an toàn dữ liệu và an toàn hệ thống khi có sự cố điện từ nguồn điện lưới, bộ lưu điện UPS là giải pháp được lựa chọn hàng đầu. Bài tư vấn sau của anh Xuân Định – phòng Phát triển Kinh doanh sẽ giúp các bạn một vài kinh nghiệm khi chọn mua một UPS.

Các kiến thức căn bản về UPS
UPS bao gồm hai dòng chính online và offline :

Dòng offline: khi nguồn điện lưới còn đáp ứng được, nó sẽ được đưa thẳng tới thiết bị sử dụng. Trường hợp có sự cố về nguồn điện lưới, bộ chuyển mạch sẽ chuyển sang chế độ dùng ắc quy, dòng điện một chiều từ ắc quy sẽ được biến đổi thành dòng xoay chiều phù hợp cho thiết bị sử dụng.
Với nguyên lý hoạt động như trên, ta thấy dòng offline có nhược điểm là khi chuyển mạch dòng xoay chiều sẽ có độ trễ nên các thiết bị có sự nhạy cảm cao sẽ không phù hợp với loại ổn áp này

Dòng online: ngay cả khi nguồn điện lưới còn đáp ứng được nó cũng không được đưa thẳng tới thiết bị sử dụng mà phải đưa qua bộ chuyển mạch thành dòng một chiều nạp vào ắc quy, rồi từ ắc quy dòng điện môt chiều lại được biến đổi trở lại thành dòng xoay chiều và cấp cho thiết bị sử dụng.

Với nguyên lý hoạt động này, nguồn điện cung cấp cho thiết bị sử dụng luôn được lấy từ ắc quy nên có độ ổn định cao và không bị trễ như loại offline. Ngoài ra dòng online còn có phần mềm quản lý đi kèm, có màn hình LCD giúp người sử dụng thiết lập các thông số cho UPS hoạt động đúng theo nhu cầu hiện tại của mình như hẹn giờ tắt mở, điều chỉnh điện áp…

Tư vấn mua hàng
Điểm đầu tiên cần để ý khi lựa chọn UPS đó là cần xác định công suất cho phù hợp với yêu cầu. Bạn cần mua UPS có công suất lớn hơn hoặc bằng công suất thiết bị sử dụng.

Lưu ý các bạn là máy vi tính có công suất tính theo dòng một chiều với đơn vị đo là W, một máy vi tính phổ thông thường có công suất khoảng 300w kể cả màn hình. Còn UPS có công suất tính theo dòng xoay chiều với đơn vị đo là VA, bạn có thể tham chiếu sang đơn vị đo W bằng cách lấy số VA nhân hệ số 0,7. Ví dụ: một UPS có công suất 500VA sẽ tuơng đương 500VA x 0,7 = 350W, đáp ứng tốt cho một máy vi tính bình thường.

Điểm thứ hai là xác định sẽ sử dụng dòng nào?, nếu bạn chỉ sử dụng máy tính phục vụ các công việc văn phòng thông thường thì chỉ cần sử dụng loại offline, nếu bạn sử dụng UPS cho một server hoặc trung tâm dữ liệu thì cần mua loại online.

Cũng lưu ý thêm là UPS cũng là một thiết bị điện nên nó cũng đòi hỏi nguồn điện lưới phải có sự ổn định nhất định và một chú ý nữa là không phải bất cứ thiết bị nào cũng có thể dùng UPS, đa số các UPS hiện có trên thị trường được thiết kế cho máy tính. Các thiết bị khác có thể không làm việc hoặc làm hỏng UPS. Hãy đọc kỹ hướng dẫn đi kèm với UPS.

Sử dụng và bảo quản UPS
– Một chú ý hết sức quan trọng là bạn không được lợi dụng việc lưu điện của UPS để tiếp tục làm việc mà hãy tranh thủ thời gian lưu các tài liệu và tắt máy trước khi UPS hết điện, điều này giúp tuổi thọ UPS được lâu hợn

– Không để hở đầu ra UPS vì điện áp ra là dòng xoay chiều 100-240v rất nguy hiểm.

                                Hướng dẫn sử dụng Bộ lưu điện UPS tổng quát
Để sử dụng một UPS hiệu quả và thời gian sử dụng được lâu xin khách hàng thao khảo hướng dẫn sử dụng UPS tổng quát.
Tháo dỡ vỏ hộp đựng UPS ra kiểm tra
– Tháo vỏ hộp bộ lưu điện UPS. Lưu ý tới cách tháo và các phụ kiện đi kèm gồm cuốn sách hướng dẫn cho người sử dụng, phiếu bảo hành, cáp truyền thông tin cũng như dây điện, và trong trường hợp loại có thời gian trữ điện lâu, nó sẽ có thêm dây ắc quy ngoài.
– Trong trường hợp có bất kỳ một hỏng hóc nào do vận chuyển gây ra hay thiếu bất kỳ bộ phận nào, thì không được bật UPS và hãy thông báo cho công ty vận chuyển, nhà phân phối hay các Trung tâm dịch vụ Khách Hàng SANTAK.
– Hãy kiểm tra lại xem liệu đó có phải là loại mà bạn có ý định mua hay không bằng cách xem thông số Model No. ở phía sau UPS.
Lưu ý:
Trọng lượng của loạt sản phẩm này là tương đối nặng. Xin lưu ý cẩn thận trong quá trình vận chuyển. bo luu dien
Những lưu ý khi lắp đặt
– UPS phải được đặt ở nơi thông gió tốt, tránh xa nước, tránh xa nơi có khí dễ gây cháy và các chất ăn mòn.
– Không nên đặt UPS nghiêng. Không được bọc kín phần để không khí vào ở phía dưới của mặt phía trước và nơi để quạt gió ra ở mặt sau để đảm bảo quá trình thông khí.
– Nhiệt độ xung quanh UPS nên giữ ở mức từ 0 tới 40 oC.
– Trong trường hợp nếu UPS được tháo vỏ hộp, lắp đặt và sử dụng ở nhiệt độ quá thấp, sự ngưng tụ hơi nước có thể diễn ra. Nhất thiết phải đợi cho tới khi UPS khô ráo hoàn toàn ở bên trong và ngoài trước khi thực hiện quá trình lắp đặt và sử dụng. Nếu không, có thể xảy ra chập điện.
– Lỗ cắm của nguồn điện cung cấp điện cho UPS phải nằm gần UPS và phải dễ rút ra. Ðể ngắt điện khỏi UPS trong trường hợp khẩn cấp, hãy tắt UPS và rút dây điện khỏi ổ cắm trên tường.
Lưu ý:
Khi nối thiết bị tải điện với UPS, phải tắt thiết bị tải điện trước khi được nối. Sau đó, bật từng thiết bị tải điện lên.
Tất cả các ổ cắm điện đều phải được nối đất để bảo vệ.
Cho dù dây điện có được cắm vào ổ điện nguồn hay không, thì vẫn có dòng điện tại ổ cắm đầu ra của UPS. Tắt UPS bảo đảm rằng không còn dòng điện ở các bộ phận bên trong của UPS. Ðể đảm bảo không còn dòng điện ở ổ cắm đầu ra của UPS, thì UPS phải được tắt trước tiên, sau đó ngắt nguồn cung cấp điện.
– Ðối với loại chuẩn (standard model), nên nạp điện cho ắc quy trong vòng 8 giờ trước khi sử dụng. Chỉ cần dùng dây điện nối ổ cắm đầu vào của UPS với một ổ cắm điện nguồn gần đó, khởi động UPS, UPS sẽ tự động nạp điện cho ắc quy. UPS có thể sử dụng được ngay mà không cần nạp điện cho ắc quy trước nhưng thời gian trữ điện sẽ ít hơn mức chuẩn.
Trong trường hợp cần phải nối UPS với thiết bị tự cảm điện như mô-tơ, thiết bị chỉ báo hoặc một máy in laser, thì dòng điện dùng để khởi động phải phù hợp với công suất của UPS, vì sự tiêu hao điện để khởi động loại thiết bị này có thể rất lớn khi nó bắt đầu hoạt động.

Phương pháp kết nối của UPS:
Tham khảo các tài liệu kỹ thuật của từng loại UPS tương ứng để đấu nối chính xác và an toàn.
SANTAK xin cung cấp 1 bộ tài liệu thông số kỹ thuật đầy đủ của tất cả các model UPS để Quý khách hàng có thể tham khảo khi cần. Lưu ý quan trọng nhất là việc tuân thủ các quy định về tiêuchuẩn kích cỡ dây nối, cầu chì và automat.
– Cung cấp điện nguồn cho UPS để bật UPS
(1). Ngay khi được nối với nguồn điện, việc đặt UPS làm việc theo chế độ bypass hay không là nhờ phần mềm WinPower. Ðối với model từ 6KVA trở lên thì chế độ chạy bypass được cài đặt sẵn, (do đó có thể khách hàng sẽ không để ý đến việc bật UPS và khi có sự cố điện thì thiết bị sẽ bị ngắt đột ngột. )
(2). Ấn và giữ nút “Power on” trong khoảng hơn 1 giây để bật UPS.
(3). Khi được kích hoạt, UPS sẽ bắt đầu quá trình tự kiểm tra với các đèn báo (đèn báo từ 1-6) ở mặt trước được bật lên và sau đó từng đèn một lần lượt tắt đi theo trình tự từ dưới lên. Vài giây sau, đèn báo bộ chuyển đổi được bật lên. UPS đang hoạt động theo chế độ sử dụng điện nguồn). Nếu điện nguồn không bình thường, thì UPS sẽ làm việc theo chế độ ắc quy.
Bật UPS theo chế độ ắc quy (không nối với nguồn điện):
(1). Không cung cấp điện nguồn, nhấn và giữ nút “Power on” trong hơn 3 giây để bật UPS.
(2). Trong quá trình bật điện, UPS hoạt động giống như khi nó được nối với điện nguồn chỉ trừ việc đèn báo điện nguồn không bật sáng và thay vào đó đèn báo ắc quy bật sáng.
Tắt UPS đang được nối với điện nguồn:
(1). Ấn và giữ nút “Power off” liên tục trong hơn 3 giây để tắt UPS và bộ chuyển đổi cũng được tắt ngay lập tức.
(2). Khi đang được tắt, UPS sẽ bắt đầu tự kiểm tra. Tất cả các đèn báo (đèn báo từ 1-6) sẽ sáng lên và sau đó tắt dần từng cái một theo thứ tự từ dưới lên. Nếu phần mềm WinPower đặt UPS làm việc theo chế độ bypass và đèn báo bypass sẽ được bật lên để báo rằng UPS đang làm việc theo chế độ bypass.
(3). Sau khi đã hoàn thành các bước ở trên để tắt UPS, ổ cắm đầu ra của UPS vẫn có dòng điện. Ðể ngắt dòng điện ở đầu ra của UPS, chỉ cần ngắt nguồn cung cấp điện và UPS sẽ bắt đầu tự kiểm tra. Cuối cùng, không còn có đèn báo nào sáng ở mặt trước của UPS và các ổ cắm đầu ra của UPS không còn có điện áp nữa.
Không cung cấp điện nguồn, tắt UPS đang hoạt động ở chế độ ắc quy:
(1). Ấn và giữ nút “Power Off” trong hơn 3 giây để tắt UPS.
(2). Khi đang được tắt, UPS bắt đầu tự kiểm tra và tất cả các đèn báo (đèn báo từ 1-6) sẽ sáng lên và sau đó tắt dần từng cái theo thứ tự từ dưới lên. Cuối cùng, không còn đèn nào sáng ở mặt trước của UPS và ổ cắm đầu ra của UPS không còn điện áp nữa
Chế độ sử dụng điện nguồn (chế độ dây):
Ở chế độ sử dụng điện nguồn, các ký hiệu ở mặt trước được minh hoạ bằng biểu đồ dưới đây. Ðèn báo điện nguồn và đèn báo bộ chuyển đổi bật sáng. Ðèn báo thiết bị tải điện sẽ được bật sáng phù hợp với điện dung của thiết bị tải điện được kết nối.
(1). Nếu đèn báo điện nguồn nhấp nháy, điều đó cho biết có vấn đề về đấu lộn cực (L,N) mà có thể dẫn tới chập điện. UPS vẫn đang làm việc ở chế độ điện nguồn. Nếu đèn báo ắc quy bật sáng cùng thời điểm, điều đó cho biết điện áp hay tần số điện nguồn vượt ra khỏi mức bình thường đối với đầu vào của UPS. UPS chuyển sang hoạt động ở chế độ ắc quy.
(2). Nếu đầu ra quá tải, các đèn báo mức độ quá tải sẽ được bật lên và bộ phận báo động sẽ kêu hai tiếng bíp liền trong 1 giây. Bạn phải ngắt một số thiết bị tải điện không cần thiết từng cái một để giảm số thiết bị tải điện được nối với UPS sao cho thấp hơn 100% điện dung của UPS.
(3). Nếu đèn báo ắc quy nhấp nháy, điều đó báo hiệu rằng ắc quy không được nối với UPS hoặc điện áp của ắc quy quá thấp. Bạn phải kiểm tra xem liệu ắc quy có được nối với UPS một cách thích hợp không. Nếu việc kết nối giữa UPS và ắc quy được kiểm tra mà không có vấn đề gì thì có thể do ắc quy có vấn đề hoặc quá hạn sử dụng, trong trường hợp này hãy tham khảo phần “giải quyết sự cố” ở chương 6 để giải quyết vấn đề một cách thích hợp.
Lưu ý: Việc nối với máy phát điện phải được thực hiện theo các bước sau:
Khởi động máy phát điện và chờ cho tới khi máy vận hành ổn định trước khi nối ổ cắm đầu ra của máy phát điện với UPS (phải chắc chắn rằng UPS đang ở chế độ không làm việc). Sau đó, bật UPS theo quy trình khởi động. Sau khi UPS được bật lên, mới kết nối từng thiết bị tải điện một với UPS.
Nên lựa chọn máy phát điện AC có công suất gấp 1.5 của UPS.

– Để UPS nơi thoáng mát, tránh nơi có độ ẩm cao

– Chọn mua các hãng UPS tốt như APC, Eaton, Santak…

Những lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới

Vào tháng 12/1942, một thí nghiệm làm thay đổi cả thế giới được thực thi tại Đại học Chicago. Sau nhiều năm nghiên cứu và xây dựng, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của thế giới – lò Chicago Pile-1 – đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Chicago Pile-1 được xây dựng từ một hàng rào mắt cáo urani và những khối than chì xếp chồng lên 57 lớp; (cấu trúc của lò phản ứng đầu tiên này rất khác với các lò ngày nay). Một đội “cảm tử” gồm 3 người tình nguyện sẵn sàng lao vào đóng lò phản ứng trong trường hợp các thiết bị an toàn bị hỏng. Rất may, toàn bộ 50 người tham gia sự kiện này đã thở phào nhẹ nhõm khi thử nghiệm thành công mà không cần đến đội “cảm tử”. Từ đó, kỷ nguyên của hạt nhân ra đời.

Ngày nay có khoảng hơn 400 nhà máy năng lượng hạt nhân đặt tại 30 quốc gia trên toàn thế giới. Những nhà máy này sản xuất khoảng 15% lượng điện của thế giới và cung cấp 2% nguồn năng lượng cho toàn cầu. Mặc dù năng lượng hạt nhân, cũng như hầu hết các loại điện năng khác, đều có cả điểm mạnh lẫn điểm yếu, nhưng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó.

Để tìm hiểu rõ hơn về loại năng lượng tiềm năng này, xin giới thiệu những nhà máy hạt nhân lớn nhất thế giới.

Ngày nay có hơn 400 nhà máy điện hạt nhân nằm rải rác ở 30 quốc gia trên thế giới.
Ngày nay có hơn 400 nhà máy điện hạt nhân nằm rải rác ở 30 quốc gia trên thế giới.

1. Isar II

Lò Isar I và Isar II nằm gần Niederaichbach, phía đông thành phố Munich, Đức.
Lò Isar I và Isar II nằm gần Niederaichbach, phía đông thành phố Munich, Đức.

Điện hạt nhân chiếm 20% tổng nguồn năng lượng của nước Đức, nhưng cũng có những lo ngại về tính an toàn của các lò phản ứng và việc lưu trữ chất thải từ quá trình sản xuất loại năng lượng này, làm cho chính phủ đã có kế hoạch đóng cửa một số lò phản ứng lớn nhất nước. Nằm trong số này là 2 lò Isar I và Isar II. Hai lò này cung cấp điện cho hơn 1,5 triệu hộ dân mỗi năm.

Isar II được đưa vào hoạt động năm 1988 với công suất lắp đặt là 1.400 megawatt. Theo công ty điều hành Isar II, nếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất ra chừng đó điện sẽ thải vào môi trường 12 triệu tấn CO2. Có lẽ vì lý do này mà người ta đang cân nhắc lại kế hoạch cũ cho ngừng hoạt động lò Isar I vào năm 2011, và Isar II lùi đến năm 2020.

2.  Brokdorf

Lò phản ứng Brokdorf chứa tới hơn 110 tấn urani. Việc xây dựng lò bắt đầu năm 1981 và lò đi vào hoạt động năm 1986. Là một trong những lò phản ứng lớn nhất thế giới, trong 2 năm 1992 và 2005, lò này giành giải quán quân về sản lượng điện khổng lồ nó sản xuất được. Với công suất lắp đặt lên đến 1.410 megawatt, Brokdorf rất có thể dễ dàng giành được ngôi quán quân nhiều lần nữa trước khi bị đóng cửa vào năm 2018.

Sản lượng điện khổng lồ sản xuất được đã biến Brokdorf thành lò phản ứng lớn nhất của Đức.

3. Civaux 1 và 2

Tình hình bất ổn tại Trung Đông trong suốt những năm 60 đã đẩy giá dầu ngày càng cao, khiến cho chính phủ Pháp nhận thấy họ phải tìm giải pháp thay thế các nhà máy điện đốt bằng nhiêu liệu hóa thạch. Ngày nay, nước Pháp có 59 lò phản ứng hạt nhân chịu trách nhiệm sản xuất 76% lượng điện của cả nước và phục vụ xuất khẩu. Hai lò phản ứng nằm tại thành phố Civaux là những lò lớn nhất nước. Tiêu tốn khoảng 4,1 tỉ đôla để xây dựng, Civaux 1 và Civaux 2, đi vào hoạt động năm 1999.

Các turbin trong 2 lò này dài hơn một nửa sân bóng và nặng gần 3 ngàn tấn, công suất lắp đặt lên đến 1.450 megawatt.

4. Chooz B1 và 2

Tương tự như các lò chị em ở Civaux, lò Chooz B1 và Chooz B2 là 2 lò nằm trong chuỗi lò phản ứng công nghệ cao N4 của Pháp. Một trong số những cải tiến kỹ thuật là những phòng điều khiển được điện toán hóa có thể cung cấp cho những kiểm soát viên thông tin chi tiết về các hệ thống của lò. Ngoài ra chúng còn có những nồi hơi và bơm tải nhiệt hoạt động rất hiệu quả. Được trang bị những kỹ thuật tân tiến nhưng chúng chỉ mất 12 năm xây dựng, và ấn tượng hơn nữa là công suất lắp đặt của chúng lên đến 1.455 megawatt. Tính về sản lượng điện thì đây là 2 lò mạnh nhất thế giới, cung cấp hơn 5% sản lượng điện cho toàn nước Pháp.

5. Kashiwazaki-Kariwa

Cụm lò phản ứng Kashiwazaki-Kariwa của Nhật bao gồm 7 lò riêng lẻ với tổng sản lượng điện lên đến 8212 megawatt – đủ để phục vụ 16 triệu hộ gia đình mỗi năm, cung cấp hơn 5% nhu cầu điện của toàn đất nước.

Cụm lò Kashiwazaki-Kariwa, cũng như tất cả các lò phản ứng khác ở Nhật, được xây dựng với độ an toàn cực kỳ cao để có thể chịu được những cơn động đất thường xuyên ở đất nước này. Nhà máy này có móng ăn sâu xuống vùng nước xung quanh và gắn chặt vào nền cứng ở phía dưới. Tuy vậy, cụm lò này vẫn phải ngưng hoạt động sau một cơn động đất 6,8 độ richter xảy ra vào tháng 7/2007 gây thiệt hại nặng cho nhà máy. Một vài nhà máy vẫn chưa thể hoạt động trở lại do đang trong quá trình sửa chữa, còn một số khác đã được cấp phép hoạt động trở lại.

Đỗ Quyên (Theo HSW)